Thứ Tư, 13 tháng 6, 2012

Laser thẩm mỹ - con dao hai lưỡi

Laser thẩm mỹ là con dao hai lưỡi, sai kỹ thuật thì có thể gây những hậu quả nghiêm trọng: gây sẹo xấu, tạo vùng mất sắc tố trên da.


Laser tham my con dao hai luoiMảnh ruộng cày dở trên

Đó là tình trạng của một bệnh nhân nữ (xin giấu tên) khi tìm đến với TS Nguyễn Thị Lai, Phòng khám da liễu, Bệnh viện Hữu nghị Hà Nội. Theo lời kể của bệnh nhân, từ nhỏ chị đã bị một vệt bớt đen có đường kính khoảng 2 cm trên má phải.


Tuy không ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng vết bớt khiến chị rất mất tự tin khi giao tiếp. Vì vậy, khi nghe nhiều cơ sở thẩm mỹ quảng cáo về tác dụng kỳ diệu của laser trong điều trị bệnh này, chị đã dành dụm tiền để đi chữa.

Sau 6 lần tia, sắc đen trên bớt sắc tố đã mất đi theo đúng ý muốn của chị. Tuy nhiên, kết thúc quá trình điều trị, má chị bị viêm đỏ, đau rát và cuối cùng là để lại một đám sẹo lõm nham nhở trông như một đám ruộng đang cày dở. Chị thật sự thất vọng khi TS Lai cho biết, không có cách nào bỏ được đám sẹo đó.

Còn anh L.Đ. Cây tìm đến với một cơ sở tư nhân để điều trị mụn cơm ở lòng bàn chân khiến anh như giẫm phải đinh khi đi lại. Người ta hứa với anh rằng trong vòng một tháng, với chi phí 15 triệu đồng, hạt cơm sẽ mất đi.

Tuy nhiên, càng điều trị thì hạt cơm mọc càng nhiều, nhưng họ vẫn tiếp tục chữa. Khi đến với TS Lai, cả hai bàn chân của anh có tổng cộng khoảng 5 - 6 trăm nốt mụn cơm và khi đi lại, anh có cảm giác mình đang giẫm chân lên một chiếc bàn chông.

Gây ung thư?

TS.BS Nguyễn Sỹ Hóa, Phó viện trưởng, Trưởng khoa Laser - phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Viện Da liễu quốc gia cho biết, không thể phủ nhận giá trị to lớn của laser trong điều trị bệnh nói chung và thẩm mỹ nói riêng. Tuy nhiên, ông cũng từng gặp rất nhiều bệnh nhân bị sẹo xấu sau khi thẩm mỹ bằng laser tại những cơ sở không có chuyên môn sâu.

Đây chỉ là một trong những tai biến thường gặp của laser thẩm mỹ, nhưng lại là tai biến nặng nề nhất, rất khó, thậm chí không thể khắc phục được. Ngoài ra, còn có hiện tượng mất sắc tố tại vị trí điều trị gây nên những vết trắng trên da giống như bạch biến. Nhẹ nhất là hiện tượng tái phát sau điều trị. Tuy hiếm gặp, nhưng ung thư hóa trên sẹo xấu, loét kéo dài do biến chứng của laser cũng là một hậu quả nguy hiểm.

Trong thẩm mỹ, có hai nhóm laser chính, mỗi nhóm có bước sóng và hiệu quả điều trị khác nhau: Thứ nhất là laser dùng để cắt đốt, có tác dụng giống như con dao điện, chủ yếu là laser CO2. Loại laser này có thể điều trị rất hiệu quả (nhanh và không chảy máu) những trường hợp sùi mào gà, hạt cơm, u mềm, u cục trên da...

Thứ hai là laser dùng cho các bớt sắc tố và bớt máu giảm nếp nhăn... Với bước sóng phù hợp, loại laser này chỉ hấp thu những melanin (tạo màu đen) hay hemoglobin (tạo sắc đỏ) của da. Máy laser loại này có giá cực đắt, lên đến hàng tỉ đồng, vì thế một phòng mạch tư nhân bình thường khó có thể đầu tư được. Có nơi đã dùng laser CO2 để điều trị thì cũng có thể xóa bớt, nhưng tổn thương thường sâu nên chắc chắn sẽ để lại sẹo.

TS Nguyễn Thị Lai còn lưu ý, không phải bớt nào cũng có thể điều trị bằng laser. Với những loại bớt sâu, có lông mọc ở trên thì laser không thể lấy hết được, nếu cố tình lấy hết thì sẽ để lại sẹo.
Không thể nôn nóng
Như vậy, lời khuyên dành cho mọi người khi muốn dùng laser để thẩm mỹ là đừng vội lóa mắt trước những lời quảng cáo một chiều về laser. Không phải bác sĩ hay cơ sở y tế và bệnh da liễu nào cũng có thể sử dụng laser để điều trị. Với các vết nám thường gặp ở phụ nữ trên 35 tuổi, laser có thể điều trị nhưng thường kém hiệu quả, hay tái phát.
Với những nốt ruồi đường kính 3-5 li, ăn sâu xuống tổ chức da thì rất khó điều trị hiệu quả: nếu tia nông thì nốt ruồi không hết mà còn có thể gây ung thư hóa, còn nếu tia sâu hơn thì rất dễ để lại sẹo. Vì vậy, cách tốt nhất để điều trị nốt ruồi là cắt bỏ bằng phương pháp thông thường.
Trong điều trị thẩm mỹ bằng laser việc xác định bước sóng công suất, mật độ năng lượng có ý nghĩa rất quan trọng trong hiệu quả điều trị bệnh và đề phòng tai biến. Điều này đòi hỏi bác sĩ phải có chuyên môn sâu về laser như Viện Da liễu quốc gia, Viện quân y 108... Theo TS Hóa, những bác sĩ am hiểu về laser thẩm mỹ ở nước ta rất ít, chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.
Ngoài ra, cần biết rằng, phương pháp điều trị nào cũng có thể gây ra những tai biến nếu dùng không đúng liều, thao tác của kỹ thuật viên không chuẩn xác. Người dân nên lựa chọn những cơ sở có chuyên khoa laser thẩm mỹ để có thể giảm đến mức thấp những rủi ro có thể xảy ra.
Với laser thẩm mỹ, người bệnh không thể nôn nóng được. Nên bắt đầu bằng giai đoạn thử một nốt hoặc một vùng nhỏ tổn thương và sau 6 tháng sẽ đánh giá lại rồi mới quyết định có nên tiếp tục điều trị hay không.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét